Từ vị trí thứ 64 cách đây hai năm, Việt Nam đã tăn lên vị trí thứ 39 trên toàn cầu trong bảng xếp hạng chỉ số hiệu suất dịch vụ logistics (LPI) năm 2018, theo báo cáo “Connecting to Compete” do World Bank công bố cuối tháng 7.2018.
Chỉ số LPI của Việt Nam năm nay đứng trên các nền kinh tế có quy mô lớn hơn so với một số nước cùng khu vực như Ấn Độ, Indonesia, Malaysia, trong ngành logistics có quy mô 4,3 nghìn tỉ đô la Mỹ trên toàn cầu.
Việt Nam có hiệu suất dịch vụ logistics tốt hơn hẳn các thị trường có mức thu nhập tương đương, World Bank đánh giá.
“Logistics là xương sống của thương mại toàn cầu”, Caroline Freund, giám đốc khối kinh tế vĩ mô, thương mại và đầu tư tại World Bank Group cho biết trong thông cáo báo chí. “Với những nước đang phát triển, đưa ngành logistics phát triển đúng hướng đồng nghĩa với việc cải thiện cơ sở hạ tầng, hải quan, kỹ năng và luật lệ”, bà Freund cho biết.
Ngành logistics bao gồm một loạt hoạt động như vận tải, kho bãi, môi giới, chuyển phát, vận hành cảng và cả quản lý thông tin và dữ liệu, đóng vai trò làm dịch vụ hỗ trợ dòng chảy hàng hóa trong và xuyên biên giới quốc gia.
Tại Việt Nam, logistics đang trên đà phát triển. Hoạt động xuất nhập khẩu tăng trưởng liên tục trong nhiều năm qua. Kim ngạch xuất nhập khẩu đạt kỷ lục 425 tỉ đô la Mỹ trong năm 2017. Khối lượng hàng hóa vận tải trong năm ngoái cũng tăng trưởng gần 10% so với năm trước đó.
Việt Nam đang nổi lên là một điểm đến sản xuất mới với chi phí thấp của các doanh nghiệp nước ngoài, khi chi phí sản xuất tại Trung Quốc gia tăng.
Các hoạt động đầu tư vào ngành logistics tại Việt Nam diễn ra sôi động.
Năm ngoái, tập đoàn Samsung (Hàn Quốc), doanh nghiệp chiếm 25% kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam, đã bắt tay với công ty chuyên về logistics Minh Phương thành lập một liên doanh trong ngành vận tải hàng hóa.
Tập đoàn CJ (Hàn Quốc) đầu năm nay đã mua cổ phần trong mảng vận tải biển và logistics của Gemedept, doanh nghiệp nắm khoảng 12% lượng hàng container thông qua các cảng biển ở Việt Nam.
Quỹ đầu tư Warburg Pincus cũng hợp tác với nhà phát triển khu công nghiệp Becamex IDC thành lập một liên doanh trong ngành logistics. Khoảng đầu tư trị giá 200 triệu đô la Mỹ với mục tiêu phát triển hơn hai triệu mét vuông khu công nghiệp cho thuê và dịch vụ hậu cần tại Việt Nam, theo một thông báo hồi tháng 5.2018 của Warburg Pincus.
Kế hoạch của liên doanh này là xây dựng nền tảng logistics và khu công nghiệp cho các công ty đa quốc gia, công ty cung cấp dịch vụ logistics (3PL) và các công ty thương mại điện tử, ông Jeffrey Perlman, giám đốc điều hành khu vực Đông Nam Á của quỹ Warburg Pincus cho biết trong thông báo.
Các doanh nghiệp thương mại điện tử tại Việt Nam hầu hết đều sử dụng dịch vụ của các công ty vận chuyển và một phần tự xây dựng đội ngũ riêng cho hoạt động giao hàng. Tuy nhiên, khả năng của các công ty vận chuyển hiện chưa đáp ứng được yêu cầu của thương mại điện tử.
Chưa có đối tác giao hàng nào có thể cung cấp dịch vụ giao hàng trong hai giờ của Tiki với chi phí hợp lý, ông Trần Ngọc Thái Sơn, người sáng lập trang thương mại điện tử Tiki cho biết trong một cuộc trao đổi với Forbes Việt Nam.
Báo cáo của World Bank còn chỉ ra một số vấn đề còn tồn tại trong ngành logistics toàn cầu như thiếu nguồn lực lao động, chênh lệch hiệu suất dịch vụ logistics của các nước phát triển so với các nước đang phát triển, vấn đề ô nhiễm khí thải…
“Thương mại quốc tế ngày càng trở nên phân tán thông qua các chuỗi giá trị toàn cầu, phát triển dịch vụ logistics vững mạnh là điều quan trọng hơn bao giờ hết. Một gián đoạn nhỏ trong chuỗi cung ứng có thể lan rộng nhanh chóng tới các nước và khu vực trên thế giới”, chuyên gia kinh tế tại World Bank, Christina Wiederer, nhận định trong thông cáo.